Phát triển nghề đan cói ở Kim Sơn- Ninh Bình
Nghề đan cói ở Kim Sơn
Cây cói xuất hiện ở Kim Sơn – Ninh Bình được gần 2 thế kỷ. Từ đó đến nay, cây cói đã trở thành cây công nghiệp tiên phong tại vùng đất này. Người dân Kim Sơn đã dùng cây cói làm ra nhiều sản phẩm như: chiếu, thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách, mũ… rất bền, đẹp và có giá trị kinh tế cao.
Sản phẩm bằng cói ở Kim Sơn ngày càng phong phú, đa dạng như: chiếu cói, thảm cói, làn cói, hộp cói, mũ cói… đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Hiện tại ở Kim Sơn, 100% làng, xã đều tham gia chế biến cói với hơn 4.463 cơ sở sản xuất, chiếm 50% cơ sở chế biến cói trong toàn tỉnh.
Ông Hà Quang Điệp – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Ninh Bình cho biết, để có được một sản phẩm như ý thì phải trải qua nhiều công đoạn: doanh nghiệp chế biến cói kết hợp với nhà xuất khẩu cói Việt Nam và nhà nhập khẩu cói nước ngoài thiết kế ra mẫu mã theo thị hiếu của thị trường. Các mẫu này được các nghệ nhân đan thử và khi đạt tiêu chuẩn thì hướng dẫn cho các hộ gia đình. Các nghệ nhân thực sự đóng vai trò là bộ phận sáng tạo kỹ thuật công nghệ của DN. Có thế nói, đến thời điểm này số lượng mẫu được thiết kế ra để thực hiện có đến hàng nghìn mẫu và chưa có mẫu hàng nào (dù là khó đến đâu) mà các nghệ nhân chế tác cói Kim Sơn không làm được. “Những đơn đặt hàng muốn có lô hàng như ý đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, trong thời gian ngắn đều tìm đến hợp tác với Kim Sơn”, ông Điệp nhấn mạnh.
Bên cạnh kỹ thuật tinh xảo, nghề chế tác cói mỹ nghệ Kim Sơn còn được biết đến bởi những sáng tạo kỹ thuật trong việc chống ẩm, chống mốc cho loại sản phẩm đặc thù này. Được sự hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh, các DN đã thành công khi ứng dụng công nghệ sấy trong dây chuyền sản xuất gạch tuynen để sấy cói nguyên liệu và sản phẩm cói, đảm bảo vừa nâng cao chất lượng sấy, vừa tránh được những hỏa hoạn rủi ro thường hay xảy ra khi áp dụng phương pháp sấy thủ công truyền thống. Ngoài ra, các DN cũng đã thành công khi sử dụng keo polyascera phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa tạo được sự bền vững định hình kiểu dáng công nghiệp, vừa nâng cao khả năng chống mốc, chống ẩm cho sản phẩm. Những giải pháp công nghệ đã giúp bảo đảm tránh được rủi ro cho các lô hàng khi vận chuyển theo đường biển hàng ngàn cây số không bị ẩm, mốc góp phần thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm cói ở huyện Kim Sơn trong xu thế cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường.
Để thúc đẩy nghề chế biến cói phát triển, tỉnh Ninh Bình đã phát triển dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Đồng Hướng có quy mô 17ha phục vụ chế biến cói, góp phần nâng cao thu nhập cho cả nghề trồng cói và nghề chế biến cói. Đồng thời, nhằm giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cói tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, nâng cao thương hiệu, Sở Công Thương Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cùng huyện Kim Sơn đang xây dựng và thực thi chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cói Kim Sơn. Sản phẩm có thương hiệu, được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ thu hút được nhiều đơn hàng, tránh tình trạng bị đánh đồng với sản phẩm của khu vực khác, tạo được đầu ra bền vững.
(st: baomoi.com)
Leave a Reply