Muôn màu về làng cói Kim Sơn
Người dân Kim Sơn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm, nên có đầy đủ tố chất của một người thợ thủ công chân chính, khéo léo, nhạy bén và đam mê nghề nghiệp. Nghề trồng cói, chế biến cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng xa gần và được người dân tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Trồng cói, đan, dệt các sản phẩm cói đang trở thành nghề truyền thống rất quan trọng ở Kim Sơn. Đây là một nghề không thể thiếu được đối với số đông những người dân lao động. Nghề truyền thống này chưa có cội rễ xa xưa như một số nghề thủ công lâu đời (dệt, thêu, chạm khắc đá, nghề mộc…trong tỉnh), nhưng cũng đã trải qua khá nhiều thế hệ con người.
Từ thuở chưa có công cuộc khai khẩn của Nguyễn Công Trứ, cây cói nơi đây mọc chen lẫn với sú, vẹt trên các vùng bãi rộng, hoang vu. Cây cói mọc ngoài bãi hoang, có phần ngọn thót lại, phần gốc to, bè ra ba góc. Loại này được dùng để dệt chiếu thô hay thảm cói. Còn cây cói được trồng và chăm sóc trên đồng ruộng có thân tròn, thon thả từ gốc đến ngọn, có thể dệt những hàng có cấp như: chiếu đậu, chiếu cải, chiếu cờ. Trước kia, hàng cói Kim Sơn chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu. Ngày nay, các nước thuộc Liên Xô (cũ) và Đan Mạch, Na uy, Nhật Bản, Trung Quốc,… nhập hàng cói Kim Sơn với số lượng lớn.
Cây cói có chu kỳ sinh trưởng tựa cây lúa. Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng Năm, cói mùa vào dịp tháng Mười (âm lịch). Sau khi hoa cói đã héo, tương ứng với kỳ hoa vẹt nở trắng trên bãi biển mênh mông. Hoa cói mầu nâu, bình dị, thả phấn theo làn gió, lan toả khắp vùng cói vào mùa thu hoạch, thoang thoảng hương thơm dịu êm. Quy trình trồng cói cũng giống như cây lúa: cày, xới, phơi ải, tháo nước, cấy cói, rồi làm cỏ, sục bùn, bón phân. Chất lượng cói trồng phụ thuộc đáng kể vào việc điều phối nước mặn và nước ngọt theo tỷ lệ thích hợp, hài hoà. Hệ thống thuỷ lợi cho canh tác cây cói quan trọng không kém gì cây lúa.
Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng cói, thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói… cho đến khâu cuối cùng là đan và hoàn thiện sản phẩm.
Điển hình như kỹ thuật sử dụng keo polyascera phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa giúp định hình ổn định kiểu dáng công nghiệp, vừa nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm, nhất là trong quá trình xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ đó mà sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cho đến nay, sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn rất được thị trường trong nước và quốc tế yêu thích, và đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
(nguồn: trích mytour)
Leave a Reply